Căng cơ cũng là một trong những tác nhân gây ra cảm giác đau mỏi lưng hay khu vực cổ vai gáy khó chịu ở người trẻ tuổi, ảnh hưởng cuộc sống và công việc.
Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Thủy, phòng Khoa học Y học Thể thao, Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia (Hà Nội), căng cơ là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đau lưng bên cạnh các vấn đề bệnh lý như đau dây thần kinh tọa, viêm tuyến tiền liệt, bệnh cột sống…
Dù khá phổ biến và không quá nghiêm trọng, tình trạng căng cơ quá mức có thể dẫn đến rách các sợi cơ và dây chằng, ảnh hưởng đến hoạt động thường ngày.
Do đó, huấn luyện viên Hoàng Mạnh Hùng (Hà Nội) chia sẻ một số nguyên nhân phổ biến thường gây ra căng cơ, từ đó giúp chúng ta học cách kiểm soát cơ bắp, điều chỉnh tư thế, tránh tình trạng này trở nên quá nặng và không được giải quyết trong thời gian dài.
Vận động bị hạn chế
“Khi ngồi làm việc hàng giờ qua nhiều ngày trên bàn, một số nhóm cơ sẽ bị căng do việc vận động bị hạn chế”, huấn luyện viên Mạnh Hùng giải thích.
Cụ thể, khi ngồi làm việc, hông của chúng ta sẽ ở tư thế gập. Lúc này, các nhóm cơ ở mặt trước của hông sẽ co ngắn lại. Ngược lại, các nhóm cơ mặt sau của hông sẽ ở vị trí giãn.
Mạnh Hùng chia sẻ: “Theo thời gian, tình trạng này dẫn đến sự mất cân bằng khi các cơ bị co ngắn quá lâu trở nên căng, những nhóm cơ bị kéo giãn cũng yếu hơn. Kết quả cuối cùng là cảm giác đau mỏi lưng xuất hiện thường xuyên và sai lệch tư thế”.
Cơ chế này cũng xảy ra tương tự với phần cổ vai gáy. Thực tế cho thấy rất nhiều người làm việc trong môi trường văn phòng có phần đầu bị đưa nhiều về phía trước. Tình trạng này còn có tên gọi phổ biến là gù.
Căng cơ cũng dẫn đến tình trạng đau mỏi cổ vai gáy phổ biến ở dân văn phòng. Ảnh: Bodyworkmedicalcenter. |
Để giải quyết vấn đề này, huấn luyện viên Mạnh Hùng khuyên mọi người, đặc biệt là nhóm dân văn phòng, luôn giữ tư thế đúng khi đứng hay ngồi làm việc.
Ngoài ra, những người đã có biểu hiện căng cần giải tỏa các nhóm cơ này, đồng thời làm khỏe những vị trí yếu thông qua tập luyện.
Tập luyện thể dục, thể thao
Dù là một trong những phương pháp hiệu quả để phòng tránh và giải quyết tình trạng căng cơ, việc tập luyện, thể dục thể thao lại trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng này nếu chúng ta quá sức.
Ví dụ điển hình nhất của việc căng cơ trong tập luyện thể dục, thể thao chính là chuột rút. Đây là hiện tượng cơ bắp bị co cứng gây đau và khó chịu khi vận động. Chuột rút thường xảy ra đột ngột và kéo dài trong khoảng thời gian từ vài giây đến nhiều phút.
Để phòng tránh căng cơ trong tập luyện, huấn luyện viên Mạnh Hùng khuyến cáo mọi người nên khởi động và làm nóng cơ thể kỹ trước, tránh vận động cường độ cao thời gian dài, đồng thời bổ sung đủ nước.
“Nếu việc tập luyện kéo dài trên một giờ, đặc biệt vào mùa nắng nóng, chúng ta nên bổ sung các loại đồ uống có chất điện giải”, Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong trường hợp chuột rút, người tập cần ngưng vận động, nghỉ ngơi kết hợp xoa bóp nhẹ, làm động tác giãn vùng cơ đau và bổ sung nước. Sau vài phút, tình trạng co rút sẽ qua đi.
Căng cơ sau tập luyện
Huấn luyện viên Mạnh Hùng giải thích: “Cảm giác căng và đau nhức cơ bắp sau tập luyện thể dục, thể thao là sản phẩm của phản ứng viêm, khi các sợi cơ bị tổn thương, xé nhỏ li ti trước đó”.
Tình trạng đau lưng xảy ra khá phổ biến do thói quen làm việc thời gian dài, ít vận động và ngồi sai tư thế. Ảnh: ASP. |
Tuy nhiên, Mạnh Hùng khẳng định các tổn thương cơ bắp nhỏ này gần như chắc chắn sẽ xảy ra khi một người mới bắt đầu tập luyện. Cảm giác đau có thể được cảm nhận rõ nhất sau khoảng 24-48 giờ tập luyện và giảm trong 72 giờ.
Để giảm đau trong trường hợp này, người tập nên thực hiện các động tác giãn cơ, đồng thời bổ sung đủ nước, dinh dưỡng sau khi tập luyện. Ngoài ra, việc ngủ đủ khoảng 7-8 giờ mỗi đêm cũng giúp cơ thể phục hồi tốt hơn.
Dù vậy, căng cơ chỉ là một trong nhiều lý do gây nên tình trạng đau lưng hay đau cổ vai gáy, bác sĩ Trọng Thủy vẫn khuyến cáo người dân nên xác định rõ triệu chứng để đi khám kịp thời.
Ngoài ra, vị chuyên gia này nhấn mạnh mọi người không nên tự ý áp dụng các phương pháp dân gian, chưa được kiểm chứng để tự điều trị, tránh tình trạng đau tăng nặng.
Nguồn ST