Hiểu rõ về cấu trúc da để có một làn da khỏe đẹp như ý

Là cơ quan lớn nhất cơ thể, da tạo nên những ấn tượng đầu tiên về vẻ ngoài của chúng ta. Không dừng lại ở tác dụng mĩ quan, da còn là phòng tuyến đầu tiên bảo vệ cơ thể khỏi các tác động từ bên ngoài.

Cấu trúc da phức tạp và thú vị hơn nhiều so với chúng ta nghĩ. Thế nên, hiểu rõ về cấu trúc da sẽ giúp việc có một làn da khỏe mạnh và rạng rỡ dễ dàng hơn.

Hiểu về cấu trúc da 

Chiếm khoảng 15% tổng trọng lượng cơ thể, cấu tạo của da gồm 70% nước, 25% protein, 2% lipit và một số chất khác.

Cấu trúc da gồm 3 lớp chính, theo thứ tự từ ngoài vào trong là lớp biểu bì, lớp hạ bì và lớp mỡ dưới da. Mỗi lớp lại gồm một số lớp nhỏ khác với cấu tạo đặc trưng cho những chức năng khác nhau.

cau truc cua da

1.Lớp biểu bì (Epidermis)

Lớp biểu bì là lớp ngoài cùng trong cấu trúc da, cũng là lớp duy nhất chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Lớp biểu bì có độ dày trung bình từ 0.5 – 1mm. 

Lớp biểu bì gồm 5 lớp, bao gồm lớp đáy, lớp gai, lớp hạt, lớp bóng và lớp sừng. Lớp biểu bì của da là một mô năng động, liên tục hoạt động, sản sinh và tự làm mới. 

Chức năng chính của lớp biểu bì là hoạt động như một rào cản vật lý và sinh học đối với môi trường bên ngoài, ngăn chặn sự xâm nhập của các chất kích thích và chất gây dị ứng. 

Đồng thời, nó ngăn ngừa sự mất nước và duy trì cân bằng nội môi. Các tế bào sừng tróc ra và được thay thế bởi các tế bào mới cũng giúp duy trì làn da tươi trẻ.

Lớp biểu bì được bao phủ và gắn kết bởi một nhũ tương gồm nước và lipid, được biết đến như màng hydrolipid:

Lớp lipid chịu trách nhiệm chính trong ngăn ngừa tình trạng mất nước quá mức của cơ thể cũng như ngăn chặn các tác nhân gây hại xâm nhập vào cơ thể.

Phần nước chứa acid tự do, acid lactic và acid amin, tạo thành một lớp màng acid tự nhiên có độ pH dao động từ 5.4 – 5.9. Đây là điều kiện cho các vi khuẩn có lợi phát triển, đồng thời ức chế sự phát triển của vi khuẩn có hại gây mụn, viêm. 

Chúng cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính xác tế bào lipid quanh tế bào sừng cũng như hỗ trợ sự tự phục hồi của lớp sừng khi gặp tổn thương.

2.Lớp hạ bì (Dermis)

Tầng giữa của cấu trúc da là lớp hạ bì dày, có tính đàn hồi, chứa các mô liên kết cứng, tuyến mồ hôi và các nang lông. Lớp hạ bì tạo thành lớp bên trong của da và dày hơn nhiều so với lớp biểu bì.

Các chức năng chính của lớp hạ bì:

  • Là lớp đệm bảo vệ cho các cơ quan bên trong khỏi tổn thương cơ học.
  • Cung cấp dưỡng chất, nâng đỡ và duy trì lớp biểu bì.
  • Đóng vai trò quan trọng trong chữa lành vết thương.

Thành phần chính của lớp hạ bì là một mạng lưới liên kết dày đặc được tạo nên từ các protein cấu trúc (collagen và elastin), glycosaminoglycans và proteoglycans, gồm:

Lớp lưới là lớp mỏng, bao gồm các mô liên kết lỏng lẻo có chứa các mao mạch, sợi đàn hồi và một số collagen.

Lớp đáy bao gồm một lớp mô liên kết dày hơn chứa các mạch máu lớn hơn, các sợi đàn hồi đan xen chặt chẽ và các bó collagen dày hơn. Nó cũng chứa nguyên bào sợi, tế bào mast, đầu mút thần kinh, bạch huyết và phần phụ biểu bì.

Bao quanh cấu trúc da này là một lớp gel nhớt:

  • Cho phép các chất dinh dưỡng, kích thích tố và chất thải đi qua lớp hạ bì.
  • Cung cấp chất bôi trơn giữa mạng lưới collagen và sợi đàn hồi.
  • Tạo ra khối lượng lớn, cho phép lớp hạ bì hoạt động như một bộ giảm xóc.

3.Lớp mô dưới da (Subcutaneous tissue)

Lớp cuối cùng trong cấu trúc da là mô dưới da. Lớp này chứa phần lớn là các tế bào mỡ nên còn được gọi là lớp mỡ dưới da. Xen giữa các mô mỡ là các mạch máu và dây thần kinh.

Các tế bào mỡ sắp xếp chặt chẽ với nhau thành một lớp đệm, giúp hỗ trợ hấp thụ sốc. Chúng cũng giúp cách nhiệt và dự trữ năng lượng cho cơ thể.

Lớp mỡ dưới da có sự khác nhau rõ rệt giữa các bộ phận trên cơ thể cũng như giữa đàn ông và phụ nữ.

4.Cấu trúc da ở mặt so với các phần khác của cơ thể

Tương tự các vùng khác của cơ thể, cấu tạo da mặt cũng gồm 3 lớp, tuy nhiên độ dày và số lượng tế bào mỗi lớp đều khác khi so với cấu trúc da các phần khác như lưng, bụng hay đùi, cụ thể:

Cấu tạo của da mặt có lớp biểu bì mỏng hơn hầu hết các bộ phận khác. Từ đây, da mặt yêu cầu sự chăm sóc nhẹ nhàng cũng như cẩn thận hơn.

Lớp hạ bì ở da mặt có số lượng mạch máu và tuyến bã nhờn nhiều hơn các bộ phận khác, tuy nhiên, tuyến mồ hôi lại ít hơn. Tuyến bã nhờn nhiều hơn cũng khiến da mặt dễ nổi mụn hơn.

Lớp mỡ dưới da khác nhau ở hai giới và thường được quyết định bởi di truyền. Tuy nhiên, nhìn chung ở cả hai giới lớp mỡ dưới da dày nhất là ở má.

Chức năng của da

Cấu tạo của da cho phép chúng đảm nhận nhiều chức năng khác nhau cả về thể chất lẫn tinh thần. Không những thế, tình trạng da cũng báo hiệu cho sự hoạt động của các cơ quan khác trong cơ thể.

1. Hàng rào bảo vệ 

Lớp biểu bì giúp bảo vệ cơ thể khỏi hầu hết tác nhân gây hại từ môi trường. Màng hydrolipid giúp ngăn cơ thể bị mất nước quá mức, ức chế các vi khuẩn có hại. Trong khi đó, sắc tố trong da bảo vệ chúng ta khỏi tia UV từ ánh nắng mặt trời.

cau truc cua da 3

2. Chức năng bài tiết

Thông qua tuyến mồ hôi và các lỗ chân lông, da bài tiết một lượng lớn chất thải được tạo ra trong các hoạt động sống của cơ thể.

3. Chức năng miễn dịch

Lớp hạ bì trong cấu trúc da chứa các hóa chất hoạt mạch, liên quan đến việc điều chỉnh các phản ứng miễn dịch và phản ứng viêm trên da. Trong khi đó, hệ thống dẫn lưu bạch huyết của da bảo tồn các protein huyết tương và loại bỏ các vật chất lạ, các chất kháng nguyên và vi khuẩn.

4. Điều hòa thân nhiệt

Thông qua sự thay đổi lưu lượng máu qua lớp mạch da, da duy trì nhiệt độ cơ thể không đổi, bảo vệ cơ thể khỏi tình trạng quá nóng hoặc quá lạnh. Sự bài tiết và bay hơi của mồ hôi từ bề mặt da cũng giúp làm mát cơ thể.

5. Chức năng hấp thu

Thông qua da, cơ thể có thể hấp thụ một số vitamin. Một số thuốc, dưỡng chất cũng có thể thẩm thấu trực tiếp qua da.

7. Tiếp nhận cảm giác

Các đầu mút thần kinh tìm thấy trong lớp hạ bì và biểu bì phát hiện cảm giác đau, ngứa và nhiệt độ. Da cũng có các thụ thể chuyên biệt giúp nhận diện các áp lực và rung động.

8. Chức năng dự trữ  

Trong các lớp mỏng của da là rất nhiều mạch máu, khi nghỉ ngơi (tức là khi ngồi hoặc nằm), da có thể chứa tới 8-10% tổng lượng máu trong cơ thể.

Ngoài ra, cấu trúc da cho phép chúng giữ thăng bằng lượng nước và các chất điện giải Na, K, Ca, từ đó giúp dự trữ các chất này.

Lớp mỡ dưới da cũng giúp dự trữ rất nhiều năng lượng cho cơ thể.

9. Chức năng tổng hợp

Da tham gia vào một số quá trình sinh hóa như tổng hợp vitamin D từ ánh nắng mặt trời hay hắc sắc tố da melanin bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím.

10. Các chức năng khác 

Da cũng là một nhà giám sát của cơ thể: Có sự đồng vận với hệ thống các cơ quan nội tạng, thông qua quan sát tình trạng da, chúng ta có thể dự đoán các rối loạn, tổn thương nội tạng, nội tiết có thể đang gặp phải.

Tạo thiện cảm, tăng tính thẩm mỹ: Có câu “nhất dáng, nhì da”, một làn da trắng sáng mịn màng dễ khiến người đối diện có cảm tình hơn với một làn da bị sạm nám, tàn nhang, mụn, sẹo,…

Có thể thấy, làn da khỏe mạnh, mịn màng, đều màu có ảnh hưởng nhất định tới ấn tượng đầu tiên của người khác về chúng ta. Một làn da đẹp cũng khiến chúng ta tự tin về chính mình hơn.

Chuyện gì sẽ xảy ra khi da bị tổn thương? 

Cấu trúc da bao phủ khắp cơ thể đồng thời đảm nhiệm rất nhiều chức năng, không khó lý giải tại sao da rất dễ gặp tổn thương. 

Các tác nhân từ môi trường sống, nhiệt độ, hóa chất,… đều có thể gây tổn thương da. Tùy theo nguyên nhân và mức độ tổn thương, cấu tạo của da cho phép chúng có những cách tự sửa chữa khác nhau.

Các tổn thương cơ học như trầy xước,… sẽ làm tổn thương lớp biểu bì. Nếu chạm đến lớp hạ bì hoặc sâu hơn, chạm vào mạch máu sẽ gây chảy máu. Cơ chế chữa lành tự nhiên của cơ thể sẽ làm tăng hoạt động phân bào và di chuyển đến các vùng bị tổn thương để tái tạo mô. Nếu vết thương gây chảy máu, cơ chế đông máu sẽ được kích hoạt. Kế tiếp đó là quá trình tu sửa, tái tạo mô mới. 

Các tổn thương trên tầng biểu bì thường không để lại sẹo trong khi các vết thương phạm đến tầng hạ bì sẽ gây sẹo do sự tạo thành mạng collagen ở miệng vết thương vì một trong những tác dụng của collagen là kết nối các mô liên kết, làm đầy cấu trúc da.

So với da cơ thể, cấu trúc da mặt mỏng hơn nên dễ bị tổn thương hơn hẳn, thậm chí chỉ với tác động của ánh nắng, khí hậu lạnh hoặc mỹ phẩm có tính tẩy mạnh.

Khi lớp bảo vệ tự nhiên trên bề mặt da bị tổn thương, da mất nước, trở nên khô, dễ bong tróc, sần sùi, mất thẩm mỹ. Ở mức độ nặng hơn có thể gây cảm giác châm chích, đau rát.

Lâu dần, da trở nên nhạy cảm trước tác động từ bên ngoài, dễ viêm nhiễm, đồng thời thời gian phục hồi tổn thương lâu hơn. Lúc này, chúng ta buộc lòng phải nhờ đến sự trợ giúp của các biện pháp y tế.

Cách bảo vệ làn da của bạn

Lối sống và thói quen hằng ngày ảnh hưởng rất lớn đến làn da bạn. Những bí kíp dưới đây sẽ giúp bạn giữ làn da luôn trẻ trung và khỏe mạnh.

cau truc cua da 4
  • Bôi kem chống nắng từ 15 – 20 phút trước khi ra ngoài sẽ giúp các dưỡng chất có thời gian phát huy tác dụng bảo vệ da hơn. Áo khoác, găng tay, váy chống nắng và nón rộng vành cũng giúp ích rất nhiều.
  • Tránh đi ra ngoài từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều bởi đây là khoảng thời gian nắng nóng, tia UV hoạt động mạnh nhất.
  • Làm sạch da, nhất là da mặt. Sau một ngày hoạt động hoặc một giấc ngủ dài, da chứa rất nhiều bụi bẩn, bã nhờn và cả vi khuẩn. Làm sạch da với sữa rửa mặt, cân bằng lại pH cho da bằng toner sẽ giúp da nhẹ nhàng, dễ chịu, ít viêm nhiễm hơn đấy.
  • Cung cấp độ ẩm cho da, nhất là vào những ngày trời nắng nóng hoặc lạnh khô.
  • Thanh lọc da bằng cách uống đủ nước, ăn nhiều trái cây, rau xanh,…
  • Xây dựng chế độ chăm sóc da, bạn có thể tham khảo tại dways.com.vn để tìm được giải pháp toàn diện cho làn da và sức khỏe của mình.
  • Có chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, hạn chế tinh bột, thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, tránh ngủ quá trễ, tham gia các hoạt động thể chất hoặc yoga.

Thấu hiểu và từ đó chăm sóc đúng cách, bạn sẽ không còn cảm thấy làn da quá khó để yêu chiều còn việc sở hữu được một làn da trẻ trung, khỏe mạnh mà lại rạng ngời hoàn toàn là chuyện trong tầm tay đấy!